Cước vận tải đường biển tiếp tục duy trì các kỷ lục trong năm 2022

Theo báo cáo của Dịch vụ nhà đầu tư (MIS) của Moody’s, cước phí vận tải đường biển sẽ tiếp tục duy trì ở các mức kỷ lục cho đến hết năm 2021 và thậm chí là kéo dài sang năm 2022 khi cầu thị trường vượt cung tải một cách đáng kể theo hướng gia cường khả năng tăng trưởng lợi nhuận cho các hãng vận chuyển.

Moody’s nhận định, kết quả tài chính trong năm 2021 tốt hơn nhiều so với năm 2020. Cầu hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp hiện tiếp tục tăng cao trong khi cung tải trọng mới cho thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tích cực.

Moody’s cũng tin rằng kết quả tài chính và hoạt động vận hành mạnh mẽ này sẽ được tiếp nối trong các lĩnh vực tàu hàng rời và dịch vụ vận tải hàng lỏng, là cơ sở cho việc nâng mức thang đánh giá cho lĩnh vực vận tải biển nói chung từ “ổn định” lên “tích cực”.

Dự báo của các nhà phân tích cũng cho thấy nhu cầu toàn cầu cũng vượt xa mức cung tải trọng trong năm 2021. Theo dự báo của Moody’s, mức tăng trưởng sản lượng toàn cầu là 5 – 7% trong khi mức tăng trưởng cung tải trọng chỉ là 4%. Hãng Nghiên cứu Clarksons dự báo tăng trưởng sản lượng khoảng 5,7% so với mức tăng trưởng cung tải trọng 4%; IHS Markit, công ty mẹ của JOC.com, đưa ra mức dự báo thậm chí còn lớn hơn với 7,5% tăng trưởng sản lượng vận tải container trong khi cung tải trọng chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 3,2%.

Simon Heavey, Trưởng phòng Nghiên cứu cao cấp của Drewry – một hãng nghiên cứu thị trường hàng hải có trụ sở tại London nhận định: “Hiện tượng đột biến nghiêm trọng của thị trường được dự báo kéo dài đến hết năm 2021, hiện trạng cầu vượt xa cung còn tiếp diễn vắt sang năm 2022”.

Theo phân tích của Tạp chí hàng hải Sea-Intelligence, sự bất cân bằng cung cầu trong lĩnh vực vận tải quốc tế đã đang là đặc ân của hãng vận tải từ nhiều tháng nay. Lợi nhuận hoạt động trước thuế và lãi suất (EBIT) của nhóm 11 hãng vận tải được báo cáo đạt 16,2 tỷ USD trong quý I/2021, lớn hơn tổng lợi nhuận cộng dồn của 10 tháng trước.

Theo tính toán của Drewry, tổng lợi nhuận hoạt động trong năm 2020 của tất cả các hãng vận tải container đạt 26,6 tỷ USD, tăng hơn 5 lần so với mức 5 tỷ USD đạt được trong năm 2019.

Lợi nhuận vượt xa dự kiến

Theo dự báo hồi tháng 3/2021 của Drewry, tổng lợi nhuận hoạt động của toàn ngành vận tải container có khả năng đạt 35 tỷ USD trong năm 2021, tuy nhiên ngay tại thời điểm đó các nhà phân tích cũng cho biết, dự báo này có khả năng sẽ phải điều chỉnh cao hơn nhằm phản ánh đúng diễn biến của thị trường khi cầu tiếp tục tăng và mức cước thời vụ (spot rates) và cả mức cước theo hợp đồng (contract rates) của các tuyến dịch vụ chính hàng lang Đông – Tây vẫn giữ xu hướng tăng mạnh mẽ.

Theo nền tảng chuẩn hóa cước vận tải Xeneta, mức cước thời vụ có hiệu lực trong vòng một tháng cho tuyến dịch vụ kết nối cảng chính Trung Quốc với các cảng chính Bờ Tây nước Hoa Kỳ hiện đã ở mức 4.553 USD cho một TEU (đơn vị dung lượng vận tải tương đương với thể tích một container kích thước 20 feet – ND), tăng 400% so với cùng tuần của giai đoạn năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid.

Cước thời vụ cho tuyến dịch vụ Trung Quốc – Bắc Âu hiện tăng lên mức 5.726 USD, tăng 636% so với thời điểm năm 2019, trong khi đó tuyến xuyên Đại Tây dương kết nối Bắc Âu và các cảng chính Bờ Đông Hoa Kỳ, mức cước thời vụ đã lên tới 3.010 USD/TEU, tăng 218% cùng kỳ năm 2019.

Giá cước theo hợp đồng trung dài hạn từ 3 tháng trở lên cho các tuyến dịch vụ Trung Quốc – Bờ Tây Hoa Kỳ lên đến 1.941 USD cho một FEU (đơn vị vận tải tương đương một container 40 feet – ND) tăng 92% so với năm 2019; cước hợp đồng cho tuyến Trung Quốc – Bắc Âu tăng lên mức 1.614 USD/TEU; tuyến Bắc Âu – Bờ Đông nước Hoa Kỳ chạm mức 1.307 USD/TEU, tăng 52%.

Cũng theo Xenera, mặc dù mức cước liên tục leo thang kỷ lục như vậy nhưng cầu vẫn quá mạnh trong khi cung tải trọng lại quá khan hiếm, thực tế này đã khuyến khích các hãng vận tải đưa ra yêu cầu về một mức “đảm bảo” nhằm cam kết cung cấp tải trọng, mức “đảm bảo” này tương đối cao xoay quanh 2.500 USD áp dụng cho một container hàng hóa được vận chuyển.

Nền tảng thị trường cước trực tuyến Freightos xác nhận rằng hệ quả của tình trạng tắc nghẽn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảng Diêm Điềm (Thâm Quyến, Trung Quốc) trong 2 tháng qua, cùng với nhu cầu cứ bền bỉ tăng, làm tình trạng thiếu hụt container rỗng càng trở nên trầm trọng và gia tăng áp lực lên giá cước thị trường.

Theo Robert Khachatryan, Giám đốc Vận hành của hãng giao nhận Freight Right Global Logistics – hiện đang sử dụng nền tảng thị trường Freightos – các chủ hàng có hợp đồng cước năm với các hãng vận tải cũng chỉ được phân bổ sử dụng mức cước hợp đồng đó cho khoảng 10% lượng hàng hóa của mình, 90% container hàng hóa buộc phải sử dụng cơ chế giá “đảm bảo”. Tổng mức cước dưới cơ chế “đảm bảo” tại thời điểm đầu tháng 7/2021 cho tuyến dịch vụ châu Á – Bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng lên 10 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Leave Comments

0918.698.136
0918698136